TRẠM NĂNG LƯỢNG CUỘC ĐỜI Ở ĐÂU?

Cú sốc và bước ngoặt cuộc đời tôi

Đó là một ngày Hà Nội tháng 8 thời tiết dễ chịu, nắng nhẹ, tôi mất nguyên một ngày để chạy từ bệnh viện rồi đến phòng khám chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, và giờ tôi ngồi xuống bên cạnh bác sĩ để nghe kết quả cuối cùng. Bác sĩ nhẹ nhàng: “Phải mổ thôi cháu ạ! Dây chằng của cháu đứt 80% rồi”. 

Tôi vốn là một cô bé rất khỏe mạnh, từ nhỏ đến lớn chưa từng phải truyền nước bao giờ, thậm chí hồi đi học điểm các môn thể dục như điền kinh, chạy nhanh, bóng chuyền của tôi đều đạt tuyệt đối 4.0, cảm xúc của tôi khi nghe thấy từ “mổ” thật là mơ hồ kèm theo sự hỗn độn. “Mổ ấy ạ? Mổ tức là cháu sẽ phải dừng công việc hiện tại trong bao lâu vậy bác?” – tôi hồn nhiên hỏi. Bác sĩ chậm rãi giải thích về tình trạng của tôi, từng từ, từng chữ bắt đầu giúp tôi hình dung ra tình trạng hiện giờ của tôi. Tim tôi bắt đầu đập mạnh, nhanh, thình thịch, tai tôi ù ù đến nỗi không còn nghe thấy vị bác sĩ kia nói gì nữa, tôi chỉ kịp đáp: “Cháu cảm ơn ạ, cháu sẽ sắp xếp thời gian và trao đổi với gia đình”. 

Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác lần đầu tiên tay chân tôi run lẩy bẩy đến như vậy. Tôi cố tỏ ra bình tĩnh nhưng vừa bước ra khỏi căn phòng đấy tôi ngồi gục xuống băng ghế, k kìm được nữa, tôi khóc.

Tôi gục xuống, bật khóc nức nở như một đứa trẻ. 

Tôi hoang mang tột độ. 

Tôi chỉ biết khóc, tôi k còn để ý đến những người xung quanh nữa.

Trên đường về nhà, đầu óc tôi trống rỗng, những ngọn gió lau khô nước mắt cho tôi, nhưng cứ nghĩ đến lời của bác sĩ, tôi lại khóc.

Tôi sợ. Tôi bắt đầu thấy sợ.

Một tuần sau đó, tôi thu mình lại trong thế giới chỉ có tôi và sự tối tăm trước mắt tôi….

Hơn mười năm về trước…………………

Tối chủ nhật, mẹ tôi đang chuẩn bị quà quê nào cá khô, mực khô, hai mẹ con tôi khăn gói lên tàu hỏa ra Hà Nội khám ở bệnh viện Việt Đức. Tôi và mẹ đến nơi vào sáng thứ 2 trong sự náo nhiệt của tiếng xe cộ và người qua lại, tôi nằm trên ghế đá gối đầu vào đùi mẹ để chợp mắt thêm chút. Hình ảnh in sâu trong tôi là những bệnh nhân xếp hàng dài la liệt, có người ngồi, có người nằm, có người già, có trẻ nhỏ, có người ngồi xe lăn, có người thì đeo nạng….nhưng không mấy ai có thần sắc tươi tắn vui vẻ. 

Tôi được xếp lịch khám đầu giờ chiều. Trưa hôm đấy, tôi thấy có người mang cơm vào cho các bác sĩ, nhìn các bác sĩ vừa ăn vội vàng vừa làm việc, tôi hỏi với giọng đầy thương cảm: “Chú ơi, thế chú k nghỉ trưa ạ? Sao chú không nghỉ một lúc để ăn trưa?” – Chú cười “Thế cháu đợi lâu chưa? Chú làm nhanh cho cháu được khám nhanh nhé”. Đúng vậy, đây là lần thứ hai tôi cùng mẹ vượt hơn 300 cây số ra Hà Nội cũng chỉ để gặp vị bác sĩ này. Thế rồi giây phút tôi chờ đợi cũng đến, tôi được gọi vào phòng khám. Vị bác sĩ kia trông lớn tuổi nhưng mái tóc đen, gương mặt phúc hậu, tác phong nhanh nhẹn gọn gàng, nói to dõng dạc: 

–    Bác sĩ: Nào, cô bé kia lại đây bác xem nào!

  • Cháu đi bình thường cho bác xem nào.
  • Cháu bước nhỏ cho bác nào. 
  • Cháu chạy cao chân nào.
  • Cháu có thấy đau k? 

–   Tôi: Dạ cháu không ạ!

–   Bác sĩ: Cháu có thấy điều gì bất tiện khi đi lại không?

–   Tôi: Dạ cháu không ạ!

–   Bác sĩ: Thế này thì về thôi, không cần làm gì cả (bác sĩ quay sang nói với mẹ tôi).

–   Mẹ: Dạ thưa bác, cháu nó học tiểu học có chạy nhảy bị ngã va vào ghế đá, giờ gia đình thấy có 1 mảnh sụn nhỏ đang ở trong đấy, gia đình em muốn mổ lấy nó ra cho cháu ạ, sợ sau này có ảnh hưởng gì.

–   Bác sĩ: Không vấn đề gì cả. Con đang đi lại chạy nhảy bình thường thế này, mổ làm gì. Cô cứ đưa cháu về.

–   Mẹ: Dạ thưa bác, gia đình vẫn muốn bác xem cân nhắc mổ cho cháu bác ạ.

–   Bác sĩ: Hiện tại kỹ thuật nối gân, ghép gân của Việt Nam mình chưa hoàn thiện 100%, chỗ đấy lại ngay khớp gối. Nếu chả may có vấn đề gì, cô có nuôi nó cả đời được không?

–   Mẹ:………….

Ôi không! Tôi đang đối mặt với chuyện gì thế này? Câu nói của vị bác sĩ mười năm về trước cứ in hằn mãi trong đầu tôi. “Mổ chân ư? Kỹ thuật chưa hoàn thiện 100% ư? Tôi có thể sẽ bị què ư? Tôi sẽ đi chân thấp chân cao hay là ngồi xe lăn? Người đời sẽ mỉa mai tôi như thế nào đây, là thọt ư?”. Hàng loạt các viễn cảnh không mấy tươi đẹp liên tục xuất hiện trong đầu tôi. Chưa hết, tình trạng của tôi càng ngày càng tệ hơn. Tôi cứ bước đi lại bị khụy xuống, đầu gối tôi đau quá, dừng lại và cố gắng lắc lư khớp gối của mình, giống như có một viên gạch nằm sai vị trí ngáng đường tôi, phải lắc cho nó về đúng vị trí thì tôi mới có thể đi tiếp được. Cứ như vậy, tôi và cái chân “đểu” lỏng lẻo lết đến công ty trong sự đau đớn và tủi khổ.

Tôi viết đơn xin nghỉ việc.

Tôi tự ti về bản thân mình khủng khiếp. 

Từ năm tôi 3 tuổi, tôi đã đứng trên sân khấu trước rất nhiều người, thi đủ các loại cuộc thi, diễn đủ mọi sân khấu to nhỏ, tôi luôn nghĩ bản thân mình tự tin như thể tôi sinh ra đã là như thế, chưa bao giờ tôi thấy tự ti về bản thân và tuyệt vọng như lúc này. 

Tôi nhìn đầu gối sưng vù của mình, đau quá, cứ nhìn vào chân tôi lại khóc, tôi đã khóc suốt 3 ngày rồi. Tôi buồn. Chán. Tôi chán mọi thứ. Chán bản thân mình, chán về sự vô dụng của mình, chán vì đau, chán luôn cả cuộc đời này, tôi chả thiết tha làm gì nữa cả, tôi cũng chẳng có năng lượng để làm một việc gì khác ngay lúc này. “Thế là hết, xinh đẹp cũng chẳng để làm gì, còn bao nhiêu nơi mình chưa được đến, tuổi trẻ và những chuyến đi, tương lai tôi sẽ ra sao?”. Tôi ước: “ Giá như cuộc đời này có một nơi nào đó có thuốc chữa lành cho tình trạng chán nản tuyệt vọng của tôi bây giờ, tôi muốn đến đó ngay lập tức”. Thật tiếc là lúc đó tôi chưa tìm được địa chỉ. 

Và rồi, tôi tìm đến “viết“.

Tôi viết ra hết những điều tôi đang nghĩ trong đầu. Tôi viết những điều tiêu cực nhất, những viễn cảnh xấu nhất có thể xảy ra mà tôi đang nghĩ. Ồ, chân dung tôi của một diện mạo mới đây ư? Một suy nghĩ chạy qua đầu tôi rằng: “Nhà soạn nhạc Beethoven vĩ đại hồi nhỏ còn bị khiếm thính, sau này bị điếc hoàn toàn. Helen Keller bà là một nhà văn, nhà hoạt động xã hội Mỹ dù sống trong thế giới không ánh sáng, không âm thanh.” Tôi bắt đầu đọc các câu chuyện của những người khuyết tật nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam, tôi nhìn họ qua những trang sách với một lòng cảm phục. Tôi biết mình nên bình tĩnh lại và lý trí hơn. Tôi bắt đầu tìm hiểu và đọc về căn bệnh của mình, tôi lên facebook và ngạc nhiên thay, tôi có cả cộng đồng những người anh em “đồng gân”. Tôi xem từng video, hình ảnh của họ, chủ yếu là con trai vận động thể thao bị đứt dây chằng, tôi bắt đầu tìm thấy điều lạc quan hơn, “ồ thì ra trường hợp của tôi không phải là bệnh nan y khó cứu chữa, có thể mười năm trước không được nhưng bây giờ kỹ thuật hiện đại thì sẽ thành công”. 

Thế nhưng, tôi bị ám ảnh bởi câu nói mười năm trước của vị bác sĩ kia, sau khi lấy hết can đảm, tôi dũng cảm nhắn tin cho một người “Anh” rằng: “Anh ơi, em giả sử nếu một ngày nào đó, bạn gái của anh tự nhiên mắc một căn bệnh lạ và cô ấy có thể phải ngồi xe lăn cả đời, thì anh có muốn tiếp tục mối quan hệ đó nữa không?” Một lúc sau, tin nhắn đầu bên kia được gửi đến rất ngắn gọn: “Anh sẽ xem xét xem tình cảm đó có đủ lớn để đồng hành không em ạ”.

Tôi thở dài, đương nhiên rồi, chẳng có một chàng trai nào lại muốn đồng hành cùng một người ngồi xe lăn cơ chứ, tỉnh lại đi Trang, cuộc sống này đâu phải chuyện cổ tích. Cho dù dòng tin nhắn đến sau nói là: “Nhưng nếu người đó là Em, thì Anh chắc chắn tình yêu của Anh đủ lớn để đồng hành cùng Em suốt cuộc đời”. Thế nên mới nói, ước gì anh chàng kia nói câu sau trước thì con bé đã vui thêm được tí chút rồi. 

Tôi đối mặt và chấp nhận sự thật.

Tôi suy nghĩ thoáng hơn, tôi sẽ cố gắng hết sức, và nếu phía trước có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, chẳng sao cả, miễn là tôi vẫn là người tử tế, một người có ích và tạo ra giá trị cho xã hội, cho cộng đồng. Đây rồi, con người tự tin, tràn đầy năng lượng trong tôi xuất hiện rồi, mạnh mẽ lên nào cô gái. 

Tôi bắt đầu cảm nhận được có một nguồn năng lượng tích cực và lạc quan trong tôi, nguồn năng lượng này dẫn dắt tôi làm mọi thứ nên làm. Tôi tìm lại vị bác sĩ của mười năm trước, bác sĩ này hiện đã về hưu và chỉ khám vào mỗi thứ 5 hàng tuần tại khoa dịch vụ của Việt Đức. Tôi gặp bác, giọng tôi xen lẫn sự run rẩy và hồi hộp: “ Cháu là cô bé mười năm về trước được bác khám và hồi đó bác khuyên cháu không nên mổ. Giờ chân cháu bị đau, bác khám giúp cháu”. Lần này, bác sĩ khám cho tôi kỹ càng lắm, xem đi xem lại, hỏi thăm tần suất cháu bị đau nhiều không, cuối cùng bác thở dài:

 – Haiz, thế này thì phải mổ thôi. Bác không muốn mày mổ đâu, vì nó gây cản trở quá khiến cháu không đi được nữa mới phải mổ.

–        Tôi: Dạ vâng ạ. Cháu hiểu. Cháu chuẩn bị tinh thần rồi ạ.

–        Bác: Cháu chuẩn bị tinh thần thật chưa? Cháu có đến đây cùng ai không?

–        Tôi: Dạ không, cháu đi một mình. Bác cứ cho cháu làm thủ tục đi ạ. Nhưng cháu rất tin tưởng vào bác và cháu muốn bác sẽ mổ cho cháu.

–        Bác: Vậy thì bác sẽ giải thích kỹ cho mày hình dung được. Bác sợ mày đi một mình xong tâm lý, tai ù chóng mặt lại không nghe rõ. (cười) Đây nhé, đây là cấu tạo chân của cháu này, chỗ này đang bị thế này này………

Tôi biết chặng đường phía trước thực sự rất gian nan, rất vất vả, sẽ có những đau đớn về thể xác, sẽ có những khoảnh khắc tôi tủi hổ về bản thân, nhưng quan trọng hơn là tôi biết mình cần chuẩn bị tâm lý vững vàng, một tinh thần lạc quan và một sức khỏe tốt. Ca mổ của tôi kéo dài hơn 6 tiếng và rất thành công. Tôi dặn bác sĩ cất mảnh sụn đó vào túi giúp tôi để khi tỉnh lại tôi có thể nhìn nó như một người bạn, hơn mười năm qua nó đã lớn lên cùng tôi như thế. Những ngày sau đó tôi được các bác sĩ yêu thương bảo “con bé này lạc quan nhất bệnh viện”. 

Một số hình ảnh và kỷ niệm trước giờ G năm ấy (ảnh fb:Quỳnh Trang)

Những ngày phục hồi sau mổ….

Ba tháng sau đó, tôi về nhà để dưỡng thương và điều trị phục hồi. Tôi khó có thể quên được chuỗi ngày tập luyện, chườm đá, nghỉ rồi lại tập luyện, chườm đá, nếu tập nhiều quá sẽ bị tràn dịch khớp gối, nguy cơ cao phải mổ lại. Tôi không thể nghĩ rằng một việc đơn giản như co chân lại, duỗi chân ra sao lại khó khăn và đau đớn đến vậy. Tôi ăn uống, vệ sinh tại chỗ, mọi sinh hoạt đều phải có người nhà hỗ trợ. Tôi tiếp tục bị chìm vào những cảm giác mệt mỏi, bế tắc, cảm thấy như mình là gánh nợ của tất cả mọi người, mình thật vô dụng. Những hôm tập luyện không có tiến triển, tôi bất lực gào lên khóc, khóc thật to. Thời điểm đó lên facebook nhìn các bạn khoe ảnh tốt nghiệp, khoe ảnh đi làm tại công ty mới, khoe người yêu, tôi lại nhìn xuống chân của mình mà tủi thân khóc tức tưởi.

Nếu nhìn theo một hướng tích cực thì bạn biết không, đây chính là điểm dừng chân để tôi chữa lành, phục hồi và “sạc” thêm năng lượng

Tôi có toàn bộ thời gian trọn vẹn bên gia đình nhiều nhất, chưa bao giờ tôi ở nhà lâu như vậy từ lúc tôi đi học đại học. Tôi được ăn cơm với bố mẹ mỗi ngày, được ngồi nhâm nhi chén rượu ốc cùng bố trò chuyện mỗi cuối tuần thay vì lang thang hít hà mùi hoa sữa Hà Nội. Tôi nhận ra bố mẹ rất vui khi có tôi ở nhà. Đứa con gái vô tư như tôi từ đó mà thấy thương bố mẹ vô cùng từ tận đáy lòng, không lời nào tả xiết. Tôi thương mẹ nhiều đêm thức trắng ở bệnh viện, nằm ngủ trên chiếc ghế gấp cọc cạch, đau lưng, mỏi người, lo lắng dậy sớm mua đồ ăn cho tôi. Thương mẹ vì việc gì cũng đến tay mẹ, lớn từng này rồi mà bữa ăn, bữa ngủ, vệ sinh cá nhân việc gì cũng phải mẹ giúp, tôi đau nhưng mẹ cũng đâu được khỏe. Tôi thương bố gánh vác cả một gia đình lớn và gia đình nhỏ trên vai. Những điều này trước đây tôi không nhận thức được sâu sắc đến vậy, tôi nghĩ rằng bố mẹ thương mình là điều đương nhiên, là sẵn có trên cuộc đời này và phải đến khi cuộc đời cho tôi một nhịp dừng, tôi mới hiểu sẽ không có điều gì là trọn vẹn nếu chỉ có một bên luôn cho đi còn một bên chỉ biết nhận lấy. Tôi biết một người con tốt cần phục hồi nhanh hơn, sống vui khỏe, hạnh phúc hơn, báo hiếu bố mẹ nhiều hơn. Cái chân dạy cho tôi biết quý trọng cái bản thân mình vốn có, quý trọng những điều nhỏ nhoi nhất, yêu khoảnh khắc đời thường nhất chứ không phải điều gì đó lớn lao, nó dạy cho tôi biết cuộc sống này thật vô thường biết nhường nào.

Tôi có thời gian đọc vài cuốn sách hay, gặp lại những người bạn cũ, thăm những thầy cô giáo đã dạy tôi trước đây, thật kỳ lạ, xa nhau cách mấy năm trời biền biệt không gặp nhưng cứ ngỡ như mới ngày hôm qua, mọi cảm giác vẫn vẹn nguyên như thế, chân thật và gần gũi. Tôi thấy hình ảnh mình hồi là cô bé lớp 6 đạp xe băng qua ba cây cầu để đi học không quản ngày mưa hay ngày nắng, có những chuyến xe buýt trễ giờ, cả đám chạy hộc hơi, có cả những trưa nắng mang cơm đi học, vượt tường lửa cùng bạn chỉ để ra quán Net xem phim mặc dù mẹ dặn “trưa nhớ ngủ con nhé”.

Tôi được tham gia lễ Đại đoàn kết của Tổ dân phố, ký ức trong tôi nói rằng đây là một bữa ăn vui nhất và ngon nhất của tôi cùng những người hàng xóm. Ôi ôi, những cô dì chú bác, họ quan tâm và yêu thương tôi nhiều hơn tôi nghĩ, họ đến thăm tôi, kể tôi nghe những câu chuyện buôn bán thường ngày của họ, còn tôi thì cứ thế cười không ngậm được mồm. Ở nhà mình tôi như được tiếp thêm năng lượng để tiếp tục chiến đấu.

Tôi loại bỏ những cái tên không quen biết trên mạng xã hội. Tôi sống thật hơn. Trước đây khi là sinh viên, tôi hay bị chạy theo bởi những điều không mấy quan trọng đôi lúc khiến tôi ảo tưởng về bản thân như “lượng người theo dõi, lượt like, comment trên facebook”, và tôi thanh lọc hết những “tài khoản ảo” đó.

Tôi được tặng “một đóa hoa mang thai tình si”. Đó một chàng trai vượt cả ngàn dặm, đều đặn hai tuần một lần về thăm tôi. Tôi có người bầu bạn. Thế rồi chàng ta đưa cho tôi hai cuốn vở ghi chép, trong đó có những dòng viết cho tôi. Ồ, sao viết về tôi nhiều thế này? Anh thích tôi từ bao giờ nhỉ? Anh yêu đơn phương tôi lâu như thế ư? Ở một nơi nào đó xa xôi, dù không liên lạc nhưng anh vẫn luôn nhớ về tôi, cầu mong những điều tốt đẹp cho tôi ư? Tôi cảm nhận được sự chân thành qua từng trang giấy, cả những nỗi niềm và những vất vả của một người con đi làm nơi đất khách, thế mà trước đây khi anh nói chuyện với tôi thì tôi lại cảm thấy nó thật sách vở. Cảm ơn cuộc đời này đã gửi tặng tôi một tấm chân tình sâu nặng đến vậy.

Trong mọi tình huống, nếu có thể, hãy luôn chọn nhìn vào điểm tích cực và suy nghĩ tích cực

Các bạn có bao giờ nghĩ cuộc đời này có một Trạm tiếp thêm năng lượng cho các bạn không? Ở đó, các bạn có thể vừa phục hồi vừa phát triển trong cuộc sống này hay không?

Giống như trong bộ truyện tranh Naruto hay trong trò chơi game chẳng hạn, khi nhân vật chính gần như sắp bị gục ngã, sẽ được nhận một nguồn năng lượng để tiếp tục chiến đấu, tiếp tục phát triển hay không?

Trải qua nhiều thăng trầm, tôi nhận ra rằng bản thân bên trong mỗi người chúng ta là một Trạm năng lượng. Chúng ta có năng lượng phục hồi – tự chữa lành vết thương, chúng ta có năng lượng phát triển giúp chúng ta có động lực để phát triển mỗi ngày, chỉ là chúng ta làm sao để nhận ra và vận hành nó một cách tốt nhất. Tôi hiểu cái cảm giác bên trong mình tồn tại hai con người: một tốt và một xấu, không ai có thể giúp tôi thoát ra được ngoại trừ chính bản thân tôi.

Trạm tiếp năng lượng cuộc đời có thể là một nơi nào đó trên hành tinh này, ở nơi đó bạn thực sự cảm thấy bình thản và an yên trong tâm trí. Trạm cũng có thể là một người bạn thân, là bờ vai của người bạn yêu, một lồng ngực ấm áp xoa dịu trái tim bạn. Trạm có lúc đơn giản chỉ là một câu chuyện truyền cảm hứng, một cuốn sách, một bài hát, một bộ phim, hay đó là một chuyến về thăm nhà, thăm bố mẹ ông bà, thăm con cún con Milo, thăm em mèo Kitty đã lâu rồi bạn không gặp. 

The Energy Stations ra đời với cảm hứng như vậy đấy, các bạn có thể ghé thăm Trạm tiếp năng lượng của tôi thông qua blog theenergystations.com. Giá trị là điều thôi thúc tôi viết blog này, tôi tự hỏi: “Những gì mình viết mang lại giá trị gì cho bản thân mình và cho cộng đồng?” Sư Ông có câu “Tôi biết người đọc hạnh phúc vì người viết hạnh phúc”. Tôi viết về những câu chuyện tôi đã trải qua, tôi phát triển bản thân thế nào, tôi sẽ kể bạn nghe cách tôi chinh phục nhà tuyển dụng ra sao, hay tâm sự của những “Eva”,….. những điều tôi cảm thấy có ích giúp tôi trưởng thành mỗi ngày. Hy vọng qua blog của tôi, bạn sẽ nhận được những năng lượng tích cực và tìm thấy điều gì đó có ích cho cuộc sống của bạn. 

Để đánh thức nguồn năng lượng sẵn có bên trong bạn, bạn cần phải luyện tập mỗi ngày và đúng cách. Hẹn bạn ở một bài viết khác về chủ đề này, làm sao để chúng ta nhận ra năng lượng bên trong mình và phương pháp để điều tiết, vận hành nó.

Energizer

Moana Quỳnh Trang